Kiến trúc Nhật Bản - Bài học Kiến trúc hiện đại  Việt Nam?

Trên nửa thế kỷ qua, kiến trúc Nhật Bản đã ảnh hưởng mạnh mẽ trên nhiều thế hệ kiến trúc sư nước ta. Trước tiên ở miền Nam trong những năm 1960-1970 rồi lan dần ra cả nước sau 1975 cùng với đà hội nhập của đất nước vào khu vực và thế giới. Ngày nay, phải nói không một kiến trúc sư (KTS) nào mà lại không biết đến những tên tuổi lớn của kiến trúc hiện đại nhật bản, như Kenzo Tange, Fumihiko Maki, Tadao Ando… Phải chăng kiến trúc Nhật Bản là bài học lớn trong xu thế tìm kiếm một nền ‘kiến trúc hiện đại bản địa’ phù hợp cho Việt Nam? 

kien truc dep 24h

Phương châm: “Khoa học Phương Tây, Tâm hồn Nhật Bản”

Thế hệ kiến trúc chúng tôi vào cuối những năm 1950 ở Sài Gòn chỉ được đào tạo theo giáo trình hoàn toàn theo khuôn mẫu Trường Mỹ thuật Pháp (Beaux-Arts). Các thầy là người Pháp, người Việt được đào tạo ở Pháp về, hoặc từ trường Mỹ thuật Đông Dương Hà Nội cũ di cư vào Nam. Nghệ thuật kiến trúc thời đó lấy phương Tây làm trung tâm. Nội dung phần cổ điển học hầu như chỉ nói về kiến trúc Hy Lạp-La Mã, các nước Tây Âu như Italia, Pháp, Anh… Người ta chỉ nhắc qua kiến trúc cổ Trung Hoa, Ấn Độ và đề cập sơ sài một vài công trình cổ Việt trong môn lịch sử kiến trúc. Chúng tôi mù tịt về kiến trúc Việt Nam, Châu Á, cũng như hiểu biết rất mơ hồ về Nhật Bản.

Chỉ vào đầu những năm 1960 khi lên các lớp cao hơn, do yêu cầu phải thiết kế những đồ án kiến trúc hiện đại, qua tham khảo sách báo kiến trúc Âu Mỹ, chúng tôi mới phát hiện và tiếp cận được một trào lưu kiến trúc hiện đại rất sáng tạo của người Nhật.

Một nền kiến trúc mà cổ truyền thì rất gần gủi kiến trúc Việt Nam, và bước vào thời đại mới là những công trình hiện đại rất độc đáo, từng làm thế giới ngỡ ngàng và thán phục, nhưng sao chúng vẫn phảng phất đường nét và đặc điểm phương Đông.

Tò mò tìm hiểu sâu hơn qua tham khảo giáo trình kiến trúc đại học Nhật Bản, tôi nhìn thấy họ làm rất khác ta. Chương trình học những năm đầu cho sinh viên kiến trúc nặng về văn hóa-mỹ thuật Nhật Bản và nghiên cứu đào sâu kiến trúc gỗ truyền thống dân gian. Sinh viên Nhật được học rất kĩ về kỹ thuật xây lắp bằng gỗ và nghệ thuật cảnh quan. Các năm học sau mới học lịch sử và kỹ thuật kiến trúc phương Tây.

Chính đó là lý do tại sao KTS Nhật Bản vừa được trang bị vốn văn hóa dân tộc vững vàng, vừa nắm bắt tường tận kỹ thuật phương Tây. Công trình họ thiết kế rõ ràng không thua kém ai mà vẫn đậm nét châu Á.

Thì ra, cả trong đào tạo kiến trúc, người Nhật Bản đã áp dụng triệt để phương châm “kỹ Tây – hồn Nhật”, trước học văn hóa-mỹ thuật Nhật Bản và Châu Á, sau đó mới tiếp thu có chọn lọc văn hóa, kỹ thuật phương Tây.

kien truc dep 24h

  Khu tưởng niệm Hiroshima

 

Kiến trúc hiện đại và các tên tuổi lớn KTS Nhật Bản

Gây ấn tượng nhất đối với chúng tôi suốt nửa thế kỷ qua là các công trình của cây đại thụ của kiến trúc Nhật Bản cũng như của thế giới là KTS Kenzo Tange. Ông hoàn toàn được đào tạo tại Nhật Bản và là nhà thiết kế kiến trúc tiền phong đã thành công đưa bản sắc Nhật Bản vào kiến trúc mới. Trên nửa thế kỷ qua ông đã thực sự để lại dấu ấn lớn trong nền kiến trúc hiện đại với nhiều công trình xây dựng tại khắp nơi trên thế giới. Khởi đầu là Khu tưởng niệm Hiroshima, Toà thị chính Karaiusi từ những năm 1950, đến Nhà thi đấu Olympic Tokyo 1962, Nhà thờ Saint-Mary, Triển lãm Osaka những năm 1960-70, rồi Toà thị chính Tokyo kiểu hậu-hiện đại. Hướng về thế kỷ 21 với đề xuất Quy hoạch xây dựng vùng Vịnh Tokyo, Quy hoạch tổng thể hậu-công nghiệp cho quần đảo Nhật Bản…

Ông đã sang Việt Nam mấy lần vào những năm 1990 khi tham gia quy hoạch khu trung tâm Nam Sài Gòn.

kien truc dep 24h

  Công trình sân vận động Olympic Tokyo

 

kien truc dep 24h

  Toà thị chính Tokyo

 

Tiếp nối ông là cả một thế hệ vàng KTS Nhật Bản tiếp cận nhiều hơn với thế giới theo hướng hậu-hiện đại quốc tế. Đan cử như KTS Fumihiko Maki – đào tạo ở Mỹ, hành nghề ở Nhật Bản và khắp thế giới – với nào Toà nhà Tepia, Cung thể dục thể thao trung tâm Tokyo. Thế hệ tiếp nối gồm cả các KTS Sachio Otani, Arata Isozaki… Các công trình của họ nhanh chóng trở thành điển hình kiến trúc được nghiên cứu học hỏi khắp thế giới những năm cuối thế kỷ 20.

Sáng chói gần đây là KTS Tadao Ando – tự học kiến trúc và rất sáng tạo trong thiết kế, giải Pritzker 1995 – với các công trình Nhà dãy Sumiyoshi, Nhà thờ trên mặt nước, Nhà thờ Ánh sáng, Nhà triển lãm Nhật Bản tại Expo’92 ở Sevilla – Tây Ban Nha, và khá nhiều công trình xây dựng lớn ở Mỹ và trên thế giới… Ando đã từng đến nói chuyện ở Hà Nội.

kien truc dep 24h

  Một đám cưới tại Nhà thờ trên nước do Taodao Ando thiết kế

 

kien truc dep 24h

  Gian hàng Nhật Bản tại Expo‘92 Sevilla

 

Đối với miền Nam Việt Nam những năm 1960-70, phải nói không có KTS thiết kế công trình nào ở Sài Gòn mà không chịu ảnh hưởng ít nhiều của kiến trúc mới Nhật Bản. Tuy vậy, khi nhìn lại các công trình này, tôi có cảm tưởng KTS Việt mới chỉ mới nắm bắt được bóng dáng bên ngoài các mẫu hình kiến trúc Nhật – nhiều khi sao chép một cách thô thiển – và chưa thực sự nắm bắt được cái hồn kiến trúc hiện đại Nhật.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, giới kiến trúc cả nước nói nhiều đến tính ‘hiện đại và dân tộc’ trong kiến trúc, mong muốn được học hỏi cách làm của người Nhật. Các lớp KTS trẻ háo hức đi tìm hướng phát triển kiến trúc hiện đại, mơ ước thực hiện cả các công trình hậu-hiện đại, cho nên họ dễ tiếp thu các hình mẫu kiến trúc Nhật Bản, vừa gần gủi về mặt văn hóa vừa không kém hiện đại kiểu phương Tây. Nhưng phải chăng ta cũng mới chỉ nhìn ra được cái ngọn của vấn đề, mà chưa nghiên cứu kỷ làm cách nào người Nhật đã đào tạo KTS của họ. Phải chăng đó là cả một quá trình giáo dục văn hóa-mỹ thuật vừa truyền thống vừa hiện đại rất riêng của người Nhật. Trong khi giáo trình của chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ, lấy phương Tây làm trung tâm, với truyền thống đào tạo kiểu Nga, kiểu Pháp!

Vấn đề này từ lâu vẫn là một ám ảnh đối với những người nghiên cứu kiến trúc như chúng tôi. Thực ra KTS Nhật Bản đã quan niệm ra sao về tính ‘hiện đại’ trong kiến trúc, làm cách nào họ bắt kịp và cả vượt người trong trào lưu kiến trúc hiện đại và cả hậu-hiện đại thế giới?

Bài học lớn về một nền “kiến trúc hiện đại bản địa”

Có nhiều dịp gặp gỡ thảo luận với giới kiến trúc Nhật Bản, tôi đã được nghe họ đề cập nhiều về quan niệm “hiện đại” khá độc đáo. Các nhà nghiên cứu văn hóa Nhật cho rằng “hiện đại” nguyên là một khái niệm của phương Tây để chỉ một tiến trình lịch sử liên tục diễn ra ở châu Âu và sau đó ở Mỹ. Nó đặt nền tảng trên truyền thống Hy Lạp-La Mã và phát triển xuyên suốt ở phương Tây từ thời cổ đại cho đến ngày nay. Cho nên, đối với giới học thuật phương Tây tất cả các truyền thống nào không lấy châu Âu làm trung tâm đều xa lạ với tính hiện đại và thường bị gọi là ‘các truyền thống khác’.

Ở nhiều cấp độ khác nhau, các nước Châu Á đã kinh qua con đường chông gai tiến tới hiện đại. Hiện đại hóa và phát triển kinh tế là những yếu tố cần thiết để hội nhập vào nền văn hóa thế giới. Người Châu Á phải xem xét lại giai đoạn thuộc địa để điều chỉnh lại những sự sai lệch vô tình hoặc cố ý. Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam đã phải chuyển hóa nhiều trong nội bộ để đạt được tính hiện đại mang bản sắc riêng.

Riêng Nhật Bản là nước duy nhất đạt được tính hiện đại do bản thân không bị đè nặng bởi truyền thống quá khứ hoặc di sản thuộc địa như hầu hết các nước Châu Á khác. Cho nên về tất cả các mặt văn hóa, tinh thần và nghệ thuật, Nhật Bản chẳng những đã tiếp cận mà còn đóng góp tích cực vào nền văn hóa thế giới. Nhật Bản đã dẫn đầu trong con đường hóa giải sự khống chế văn hóa và mỹ thuật của phương Tây.

Không ít nhà kiến trúc, quy hoạch đô thị Nhật ngày nay đã được sắp ngang hàng hoặc cao hơn nhiều đồng nghiệp phương Tây về cả các mặt lý thuyết lẫn thực hành. Họ đã thành công cải thiện chất lượng công trình kiến trúc, môi trường đô thị: chúng hoạt động khá hữu hiệu và mang đặc điểm Nhật Bản. Theo gương Nhật Bản, tại khắp Châu Á ngày nay đang xuất hiện một xu thế “Phục hưng” rất sinh động với những giấc mơ và tầm nhìn mới. Trong đó có tầm nhìn về quy hoạch đô thị và kiến trúc.

Suốt nửa sau của thế kỷ 20, kiến trúc Nhật Bản đã có công đi đầu trong việc xác định bản sắc riêng trong kiến trúc hiện đại thế giới. Những KTS lớn Nhật Bản Tange, Kurokawa, Maki, Ando… trong trào lưu ‘Chuyển hóa luận’ (Metabolism) đã thành công tạo ra một luồng gió mới. Theo gương họ, nhiều thế hệ KTS thuộc Thế giới thứ ba kém phát triển đã nghiêm túc soi xét lại kiến trúc hiện đại phương Tây nhắm tìm kiếm một nền ‘kiến trúc hiện đại bản địa’ phù hợp với hoàn cảnh đất nước mình.

kien truc dep 24h

  Thư viện Sài Gòn do KTS Nguyễn Hữu Thiện thiết kế

 

Ở nước ta, xu hướng này được khởi đầu ở miền Bắc từ những năm 1960 và ở miền Nam từ trước 1975 với tên gọi ‘kiến trúc hiện đại nhiệt đới hoá’. Đó là đúc rút từ kiến trúc truyền thống những nguyên tắc cốt lõi về tỷ lệ, sử dụng vật liệu địa phương, về bố cục hình khối chặt chẽ theo công năng, điều kiện địa hình và thời tiết khí hậu địa phương… để đưa vào công trình hiện đại. Xu hướng này được nhiều nhà sáng tác coi như một trong những hướng tìm tòi đúng và có nhiều triển vọng.

Các KTS Việt ngày nay đã phần nào đạt được kết quả trong cách xử lý không gian và hoạ tiết phù hợp với khí hậu và thẩm mỹ của người xứ nóng, tạo nên những hình ảnh vừa mới lạ, vừa dễ gần.

Dù chưa hình thành rõ như một hệ thống, dù còn phải được tiếp tục vun đắp qua nhiều thử nghiệm hơn nữa, song xu hướng này sẽ ngày càng rõ nét hơn, tiệm cận tốt hơn với mục tiêu đi tìm bản sắc kiến trúc Việt trong giai đoạn tới. Nó có thể tìm đến sự giao hoà giữa con người với môi trường sinh thái và hình khối công trình, là sự tương đồng với những tư tưởng kiến trúc theo ‘chủ nghĩa vùng’ của các KTS Correa (Ấn Độ), Fathy (Ai Cập) cuối thế kỷ vừa qua. Và nếu được chăm sóc, đầu tư chiều sâu thì có khả năng đây có thể sẽ trở thành một trong những xu thế sáng tạo chính thống thời gian tới.

  (Tạp chí Kiến trúc)

 

Mọi thông tin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY CP XÂY DỰNG KIẾN TRÚC ĐẸP

Địa chỉ: 87 Đường 59, Phường 14, Quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0972 440 229

Email: nguyenzang.kts@gmail.com

    Kiến trúc Nhật Bản - Bài học Kiến trúc hiện đại  Việt Nam?
  • Lỗi thiết kế nội thất phòng bếp cần tránh

    Lỗi thiết kế nội thất phòng bếp cần tránh

    Trước khi lên phương án thiết kế, bạn nên tham khảo các lỗi thiết kế nội thất phòng bếp cần tránh sau đây để tránh mất thời gian, công sức và tiền bạc. Hãy cùng Kiến Trúc Đẹp tìm hiểu các lỗi thiết kế nội ...

  • Phong cách thiết kế nội thất phòng bếp đẹp cho căn hộ

    Phong cách thiết kế nội thất phòng bếp đẹp cho căn hộ

    Nâng tầm phong cách sống của bạn với những thiết kế phòng bếp đẹp và đẳng cấp cho căn hộ cao cấp. Cùng Kiến Trúc Đẹp khám phá những xu hướng thiết kế mới nhất và những sản phẩm cao cấp để tạo ra một không ...

  • Lưu ý khi thiết kế nội thất bếp hiện đại

    Lưu ý khi thiết kế nội thất bếp hiện đại

    Khi thiết kế nội thất bếp, bạn cần phải đặc biệt chú ý đến nhiều yếu tố như công năng, thẩm mỹ và phong thủy. Bài viết này của Kiến Trúc Đẹp sẽ bật mí cho bạn những bí quyết thiết kế nội thất bếp hiện ...

  • Thiết kế nội thất phòng bếp gỗ tự nhiên đẳng cấp sang trọng

    Thiết kế nội thất phòng bếp gỗ tự nhiên đẳng cấp sang trọng

    Nếu bạn đang tìm kiếm một phong cách thiết kế nội thất phòng bếp sang trọng và đẳng cấp thì gỗ tự nhiên chính là lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn. Hãy cùng Kiến Trúc Đẹp tìm hiểu về thiết kế nội thất gỗ cho ...

  • Tư vấn thiết kế nội thất phòng bếp cho căn hộ hiện đại

    Tư vấn thiết kế nội thất phòng bếp cho căn hộ hiện đại

    Thiết kế nội thất phòng bếp đang nhận được sự quan tâm của nhiều gia chủ khi chuyển về nhà mới hoặc tân trang lại nhà cũ. Hãy cùng Kiến Trúc Đẹp khám phá những mẹo thiết kế nội thất phòng bếp cho căn hộ hiện ...

  • Chia sẻ cách thiết kế phòng khách liền bếp 30m2

    Chia sẻ cách thiết kế phòng khách liền bếp 30m2

    Trong bài viết này, Kiến Trúc Đẹp sẽ chia sẻ những bí quyết và mẹo thiết kế nội thất độc đáo cho không gian phòng khách kết hợp bếp với diện tích 30m2, cùng với những mẫu thiết kế nội thất đang là xu hướng ...

zalo